13 thg 9, 2014

​“Tầm gửi” trong khoa học

TT - Đó là hành vi đáng lên án bởi suy cho cùng nó giống với việc bằng thật, học giả đang tồn tại trong xã hội hiện nay.  
                            
Trong đợt tổng kết năm học trước, thầy K. - giảng viên tại một trường ĐH ở TP.HCM - bất ngờ báo cáo với ban chủ nhiệm (BCN) khoa, đại loại rằng “trong năm học vừa qua tôi cũng có một đề tài khoa học làm chung với anh Th. ở phòng X”.

Theo nguyên tắc, đầu mỗi năm học, nhà trường nói chung và khoa nói riêng sẽ triển khai kế hoạch nghiên cứu khoa học của năm học cho cán bộ, giảng viên trong trường đăng ký. Khi BCN khoa lần giở các bản danh sách đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học trước đó thì không thấy tên thầy K..
Để làm sáng tỏ vấn đề, BCN khoa tìm gặp thầy Th. hỏi thêm thì thầy Th. cho biết đầu năm học thầy có đăng ký đề tài nghiên cứu. Khi thầy Th. làm sắp xong thì thầy K. đề nghị cho cùng làm (thực chất là ké tên) và vì nể đồng nghiệp nên thầy Th. cho thầy K. cùng đứng tên vào đề tài mà chưa kịp báo cáo lại với nhà trường.
Dù có một số quan điểm không đồng tình nhưng cuối cùng thầy K. vẫn có tên trong đội ngũ những người có “sản phẩm” nghiên cứu khoa học trong năm.
Có lẽ rút kinh nghiệm từ năm học trước, khi năm học 2014-2015 mới bắt đầu, thầy K. là người đi đầu trong việc đăng ký đề tài nghiên cứu khoa học, sáng kiến cải tiến kỹ thuật phục vụ công tác giảng dạy, học tập và nghiên cứu. Với đề tài nghiên cứu năm nay, thầy K. làm chủ nhiệm, còn thư ký là một sinh viên năm cuối.
Chỉ cần nghe tên thư ký đề tài, mọi người đã xầm xì. Trong thời gian học tại trường, anh thư ký này là sinh viên giỏi, đã có một số sáng kiến, đề tài nghiên cứu và đạt được nhiều thành tích ở nhiều cấp, từ cấp trường đến cấp nhà nước.
Đặc biệt, thầy K. đang giảng dạy một môn học trong chương trình học của năm cuối và môn do thầy K. giảng dạy tuy không phải là môn chuyên ngành nhưng lại là môn thi tốt nghiệp.
Đồng nghiệp trong khoa với thầy K. đều có chung đánh giá là thầy K. “chưa bao giờ nghiên cứu khoa học một mình”. Có người thẳng thắn hơn, họ cho rằng thầy K. là “chuyên gia” ké tên vào đề tài của người khác để lấy thành tích.
Dù trong cuộc sống, người ưa thì nói tốt, kẻ ghét thì nói xấu, nhưng qua gần ba năm công tác chung với thầy K., tôi chưa thấy thầy ấy viết được bài báo khoa học nào.
Bản thân tôi đã từng trải qua các môi trường giáo dục khác nhau và đây không phải là lần đầu tiên tôi được chứng kiến tình trạng “tầm gửi” trong khoa học tương tự thầy K..
Tôi từng chứng kiến cảnh một cô cử nhân đang trong quá trình thử việc hì hục với một đề tài để rồi tên của mình cũng không được ghi vào danh sách nhóm nghiên cứu, hay một anh tiến sĩ trẻ đã phải làm tất cả các công đoạn của một đề tài cấp tỉnh để rồi anh này chỉ có mỗi “chân” thư ký của đề tài, hoặc một bài báo khoa học mà tôi biết chắc chỉ do một người viết nhưng khi xuất bản thì có tên hai người....
Cần phải khẳng định rằng việc một nhóm người cùng tham gia nghiên cứu một đề tài, một sáng kiến nào đó là điều hết sức quý giá bởi trong thời đại ngày nay làm việc nhóm, kiến thức tập thể là một xu thế thịnh hành.
Chính vì vậy, các nhà trường đang ra sức huấn luyện kỹ năng làm việc nhóm cho sinh viên để khi ra trường sinh viên có thể vững vàng hơn trong công tác, phát huy được các sở trường, năng lực của mình.
Điều đáng buồn là hiện tượng “tầm gửi” trong khoa học này thường ít bị tuýt còi bởi sự tinh vi của nó, bởi sự cho phép, sự bao che của “chủ nhân” đề tài. Rõ ràng, “tầm gửi” trong khoa học này là những con người vì tư lợi mà đánh mất lòng tự trọng của mình, tạo tâm lý ỷ lại, làm mất tính nêu gương trong nghiên cứu khoa học, phát hiện nhân tài.
“Tầm gửi” trong khoa học chính là hành vi đáng lên án bởi suy cho cùng nó giống với việc bằng thật, học giả đang tồn tại trong xã hội hiện nay.
NGUYỄN THỊ THÚY/Tuổi trẻ Online

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét