14 thg 11, 2014

Nghiên cứu và phát triển


Gs Nguyễn Văn Tuấn/ FB Nguyen Tuan




Những gì các ông như Trần Quốc Hải (Tây Ninh), Bùi Hiển (Bình Dương), Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) làm không phải là "nghiên cứu" hiểu theo nghĩa sáng tạo ra tri thức mới. Nhưng họ có tìm đọc tài liệu, nghiền ngẫm trước khi bắt tay vào chế mấy cái máy, kể cả trực thăng. Những việc tìm tài liệu và nghiền ngẫm có thể xem là research.


Thật sự, tôi nghĩ những gì họ làm được có thể nói theo Tây là "development". Có thể họ chẳng hiểu biết gì về cơ học, toán học, nhưng họ làm theo kiểu trial-and-error, cho đến khi được việc.
Toyota ngày xưa cũng làm như thế. Honda cũng làm như thế. Cách làm trial-and-error đó cũng thường là cách làm của nhà khoa học. Chỉ khác cái là họ không có bằng cấp và làm ở nhà, còn mấy người kia thì có bằng cấp và làm trong lab. Một cái khác nữa là mấy ông nông dân làm thành sản phẩm, còn mấy ông sư sĩ thì không làm thành sản phẩm.
Tôi nghĩ công chúng bất bình là tại sao VN có quá nhiều giáo sư tiến sĩ mà không có thành tựu gì đáng chú ý. Thật ra thì có đấy (như máy bay không người lái mà báo chí nhại là giống đồ chơi), nhưng mấy thứ họ làm ra chẳng giúp gì cho các bác nông dân và tiểu thương, nên người ta nghĩ: Việc nhỏ mà còn không làm được thì nói chuyện lớn hơn ai dám tin? Thật ra, ngay cả cái máy bay không người lái đó và cả cái VAM-1 và VAM-2 cũng chỉ là lấp ráp từ các bộ phận mua từ nước ngoài. Nhìn như thế thì các sư sĩ VN còn kém hơn các bác Hai Lúa một bậc, bởi vì các bác Hai Lúa ấy tự mình làm và làm từ đầu. Thật ra, nói cho công bằng, bảo mấy bác sư sĩ cầm cái cây hàn gas hay hàn điện đã là quá khả năng của họ rồi!
Năm ngoái khi đi dự hội nghị bên Paris, tôi yêu cầu được đi xem cái lab khởi đầu của ông Servier (chủ tịch tập đoàn dược toàn cầu Servier) ở Orléan. Khi đến nơi, tôi thấy công ti duy trì cái nhà của ông rất tốt. Cái shed sau nhà của ông cũng chính là lab đầu tiên của ông. Khỏi nói ra, chúng ta cũng biết nó rất đơn sơ và chẳng có gì là tinh vi cả. Ông bắt đầu sự nghiệp như thế, chẳng ai cấm ông không được bào chế hay làm thử nghiệm. Thật ra, một trong những sứ mệnh của Nhà nước là tạo điều kiện và hỗ trợ cho các sáng kiến của người dân, chứ đâu có Nhà nước nào hành tinh này viết trên văn bản là "Thôi, anh đừng sáng chế nữa".
Thật ra, đối với dân kĩ nghệ và sáng chế thì họ chẳng cần công bố quốc tế. Họ có ý tưởng và làm ra sản phẩm rồi mới đăng kí bằng sáng chế. Có khi sản phẩm chưa hoàn chỉnh, người ta vẫn đăng kí bằng sáng chế mà chẳng cần công bố quốc tế gì cả. Đối với họ, sản phẩm dùng được trong thực tế là ok, và đó là tiêu chí thành công của họ. Khi người dân cần máy gặt lúa, họ làm ra máy gặt lúa và tăng năng suất lao động, và thế là họ đã thành công.
Còn nghiên cứu ư? Các bác sư sĩ ngành hàng không đã nghiên cứu gì, đóng góp vào tri thức thế giới ra sao, công bố ở đâu, thì vẫn là những câu hỏi kinh điển. Nói tóm lại, họ chẳng làm nghiên cứu và cũng chẳng có development đúng nghĩa. Vậy thì xin làm ơn đừng khoe mấy cái nhãn "GS TS" ra vì nó chối mắt, chối tai quá, và xấu hổ quá. Thú thật, mỗi lần tôi thấy cái nhãn đó của những người xuất hiện như là chuyên gia để bình luận công trình của người khác là tôi cảm thấy … vomit. Những gì các ông Hai Lúa làm có thể không được xem là nghiên cứu đúng nghĩa, nhưng rõ ràng là có tính innovative (cách tân), chắc chắn innovative hơn các bác sư sĩ. Hiện nay, VN cần ưu tiên cho innovation hơn là cho những dự án viễn vông.


Theo FB Nguyen Tuan

Đọc thêm: Bàn về "sáng chế"




Gs Nguyễn Văn Tuấn/ FB Nguyen Tuan

Tôi mới thấy trên VietnamPlus có bài phỏng vấn Bộ trưởng Bộ KHCN về sáng chế (1) và có vài lấn cấn. Theo cách hiểu của ông thì "sáng chế" có nghĩa là những sản phẩm hoàn toàn mới chưa ai sáng chế hay phát minh trước đây. Ông lấy ví dụ những sáng kiến cải tiến máy móc của nông dân không thể xem là sáng chế vì đã có "người sáng chế, phát minh từ nhiều thập kỷ". Tôi sợ là cách hiểu này không đúng với thực tế của hai chữ "sáng chế".

Theo USPTO (cơ quan của Mĩ đăng kí bằng sáng chế toàn cầu) thì có 3 loại sáng chế có thể đăng kí bản quyền: sáng chế mang tính hữu dụng, sáng chế mang tính thiết kế, và thậm chí cây trồng. Một sáng chế phải mang tính hữu dụng, hiểu theo nghĩa đem lại lợi ích thực tế. Lớn thì có thể kể những phương pháp trong công nghệ di truyền hoặc dây chuyền sản xuất xe, nhỏ thì rất nhiều, kể cả làm ra hộp quẹt lửa, cục tẩy mực, một cây kìm, xà bông, lọ đựng thuốc, chai nước, thậm chí cái nắp lọ thuốc, tất cả đều xem là sáng chế, và có thể đăng kí bản quyền.

Sáng chế không có nghĩa là làm ra một cái gì hoàn toàn mới, mà có thể là cải tiến từ những cái đã làm. Dĩ nhiên, nó phải mới, nhưng không có nghĩa là mới hoàn toàn. Ví dụ tiêu biểu và tôi tâm đắc nhất là cái nắp lọ thuốc, trước đây đã có người làm. Nhưng đến khi một nhà sáng chế gốc Việt nghĩ ra cách làm cái nắp đó an toàn hơn để cho trẻ em không mở được, và ông [xứng đáng] đã được cấp bằng sáng chế. Một ví dụ khác là cái nắp chai nước mắm có người (hình như là Thái Lan) sáng chế ra cái nắp sao cho nước mắm xịt ra mà không dính chung quanh chai. Đó cũng là một sáng chế và được đăng kí đàng hoàng.

Do đó, lợi ích của sáng chế không hẳn là cái gì rất lớn lao như công nghệ di truyền (thực ra, khi đã biết thì nó cũng chẳng có gì ghê gớm), mà có thể bao gồm nhiều cái ích có thể xem là "trivial" (tầm thường)! Viết software cũng có thể là một sáng chế. Một ví dụ tiêu biểu là cái flappy bird của anh Nguyễn Hà Đông cũng là một sáng chế (nhưng tôi không rõ anh ấy đã đăng kí bằng sáng chế). Làm ra máy nội soi, có thể là chưa tinh vi như Tây nhưng khác Tây, nhưng dùng được và có ích cũng có thể xem là sáng chế. Dùng điện thoại di động để kích hoạt từ xa cái máy bơm nước chẳng hạn cũng là sáng chế.

Có thể khi nghe qua nguyên lí của các sáng chế đó, có thể có người sẽ bĩu môi nói "vậy mà cũng gọi là sáng chế". Nhưng sự thật là họ đã nghĩ ra trước mình, và không chỉ nghĩ ra, họ còn làm được. Còn bĩu môi chê SAU KHI đã biết thì đâu có gì hay ho.

Tôi nghĩ đến việc chế tạo máy gặt lúa của mấy ông nông dân. Có thể ở Nhật hay vài nơi khác, người ta đã sản xuất máy gặt lúa. Nhưng nếu ông nông dân nghĩ ra cách làm khác, cũng gặt lúa nhưng gặt nhanh hơn, phù hợp hơn với điều kiện địa phương, thì rõ ràng đó là một sáng chế.

Do đó, khác với ông Bộ trưởng (khi ông nói "Trong số hoạt động khoa học công nghệ của bà con nông dân […] có một số sản phẩm của người nông dân mặc dù có tính mới, áp dụng được, nhưng để gọi là sáng chế thì chưa thật chính xác"), tôi thì nghĩ đó là sáng chế theo định nghĩa của USPTO.

Trong bài phỏng vấn ông còn nói một ý mà theo tôi là không hẳn đúng. Ông nói rằng "Thực tế, ở các quốc gia phát triển hơn chúng ta hiện nay cũng không dám nghĩ đến việc tự chế tạo tàu ngầm và máy bay. Đây là những phương tiện kỹ thuật đòi hỏi trình độ công nghệ cũng như đòi hỏi an toàn cho con người rất cao. Vì thế chúng ta rất dễ thấy cả thế giới đều dùng Boeing và Airbus thay vì mỗi quốc gia đều chế tạo thương hiệu máy bay cho chính mình. Và trên thế giới cũng chỉ có một số quốc gia chế tạo, xuất khẩu tàu ngầm." Đúng là trên thế giới chỉ có vài nước sản xuất tàu ngầm và máy bay, nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả các nước khác không nên suy nghĩ đến việc làm máy bay. Trong thực tế, Brazil sản xuất máy bay loại jet hiệu Embraer (tôi từng đi máy bay này của hãng United, và ngạc nhiên khi biết nó do Ba Tây sản xuất). Canada cũng làm máy bay dân dụng (và quân sự). Úc cũng làm tàu ngầm. Thuỵ Điển coi nhỏ như thế mà họ làm máy bay quân sự và cả tàu ngầm.

Tôi thì theo quan điểm "open" với sáng chế. Theo quan điểm này, nếu người mình nghĩ ra cách làm hay cải tiến máy móc cho nó tốt hơn, kể cả máy bay hay tàu ngầm rẻ tiền hơn thì cũng nên khuyến khích họ làm chứ không nên cấm (còn đầu tư hay không là chuyện khác). Tôi từng tự hỏi tại sao người mình ở trong nước thì chẳng có bao nhiêu ngườii đăng kí bằng sáng chế, nhưng khi họ ra ngoài thì có nhiều người có cả chục bằng sáng chế. Hoá ra, câu trả lời là người ta ở nước ngoài hiểu "sáng chế" khác với cách hiểu của Việt Nam.

Theo FB Nguyen Tuan

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét